Nếu bạn đang nuôi chó Pug và có ý định cho bé phối giống thì hãy đọc ngay bài viết các cách chăm sóc chó Pug mang thai này nhé. Đây là những gợi ý tuyệt vời giúp chủ nuôi có thể chăm sóc sức khỏe của chó trong và sau thai kỳ một cách tốt nhất.
Những điều kiện cần lưu ý trước khi cho chó Pug mang thai
Đầu tiên, trước khi quyết định cho chó Pug cái mang thai, chủ nuôi cần lưu ý và đáp ứng đủ những điều sau đây:
Điều kiện sức khỏe
- Để bảo toàn sức khỏe của chó mẹ trong khi mang thai và sau khi sinh sản cũng như đảm bảo thế hệ chó con sinh ra có điều kiện sức khỏe tốt nhất, bạn chỉ nên cho chó Pug phối giống khi bé đạt đến thời kỳ sức khỏe ổn định nhất. Ít nhất, chú chó phải trên 1 tuổi.
- Kế đến, hãy chắc chắn rằng cả chó đực và chó cái phải có giống tốt, không có bất kỳ căn bệnh di truyền nào liên quan đến: tim, não, xương khớp, gan, cơ quan sinh sản, hệ tiêu hóa, dị ứng, thoát vị, tinh hoàn ẩn,…
- Cuối cùng, nếu chú chó có tính tình quá hung hãn thì bạn hãy suy nghĩ kỹ trước khi cho nó mang thai nhé. Vì quá trình chăm sóc chó Pug mang thai sẽ rất khó khăn. Thậm chí tính tình của chó mẹ có thể di truyền qua bầy con. Hoặc bạn cũng có thể xem xét cho bé phối giống với những chú chó đực hiền lành để trung hòa tính cách.
Tiêm ngừa đầy đủ cho chó mẹ từ bé
Chủ nuôi chỉ nên cho cún cưng phối giống khi bé đã tiêm đủ các mũi vacxin phòng bệnh. Nếu không những chú chó con sinh ra có nguy cơ sức khỏe kém và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Đặc biệt, vacxin chỉ có thể tiêm trước khi cho chó phối giống và mang thai, trong chu kỳ thai sản tuyệt đối không bổ sung tiêm phòng cho bé. Vì thời điểm chó mẹ liên tục thay đổi các đặc điểm sinh lý. Điều đó không chỉ khiến vacxin mất tác dụng mà còn có thể gây ra những tác dụng phụ cực kỳ nguy hiểm.
Chăm sóc chó Pug mang thai: chế độ dinh dưỡng
Dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình chăm sóc cho Pug mang thai. Do đó, bạn hãy tham khảo những chế độ ăn uống phù hợp cho chó mẹ ngay sau đây nhé!
Giai đoạn 20 ngày đầu
Trong 20 ngày mang thai đầu tiên, cơ thể chó mẹ chưa thay đổi quá nhiều. Thay đổi rõ ràng nhất có lẽ là chó sẽ ốm nghén, ăn ít hơn và dành nhiều thời gian để ngủ. Nếu bạn vẫn chưa xác định chắc chắn là chú chó của mình có đang mang thai hay không thì nên đưa bé đi khám thai nhé.
Nếu các bác sĩ thú y đã xác định đây là mang thai thì không cần phải lo quá nhiều. Những triệu chứng này là bình thường và sẽ nhanh chóng qua đi. Lúc đó, chú chó ăn uống, vận động bình thường trở lại.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chó có thể bị thiếu chất do bỏ ăn. Do đó chủ nuôi phải quan tâm bé nhiều hơn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho chó mẹ. Sau khi quá trình ốm nghén kết thúc, bạn chỉ cần cho chó ăn lại theo thực đơn như bình thường là được.
Giai đoạn 20 ngày giữa
Ở 20 ngày tiếp theo, chó Pug sẽ tăng dần nhu cầu ăn uống do thai nhi bắt đầu phát triển và sẻ chia dưỡng chất từ cơ thể mẹ. Vì vậy, chủ nuôi nên tăng lượng thức ăn lên dần dần và bổ sung thêm sữa chuyên dụng dành cho chó mang thai.
Giai đoạn này, bạn vẫn chăm sóc chó Pug mang thai theo chế độ dinh dưỡng đầy đủ như bình thường. Nhưng hãy tăng cường thêm protein, sắt và canxi cho chó mẹ phát triển tuyến sữa và giúp chó con phát triển tốt nhất nhé.
Nhưng hãy nhớ rằng, đừng quá nuông chiều mà cho chó ăn vô tội vạ, nhất là những món ăn vặt. Chúng có thể khiến chú chó tăng cân không kiểm soát, bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng và tiêu chảy đấy.
Giai đoạn 20 ngày cuối
Ở 20 ngày cuối, chó Pug bắt đầu có những dấu hiệu rõ ràng hơn. Bụng của bé sẽ to ra, những chú chó con phát triển nhanh sẽ chèn ép lên bàng quang của chó mẹ. Do đó, giai đoạn này chó sẽ ăn ít hơn và đi tiểu nhiều hơn. Tuy nhiên đây là hiện tượng hết sức bình thường nên không cần lo.
Chủ nuôi chỉ cần giữ nguyên chế độ dinh dưỡng như giai đoạn giữa nhưng giảm lượng thức ăn xuống. Khi về gần cuối thai kỳ thì bạn nên cho chó ăn thức ăn dễ tiêu hóa nhé. Đặc biệt là ở tuần cuối cùng trước khi sinh con.
Chăm sóc chó Pug mang thai: chế độ tập luyện
Không khác gì những giống chó khác. Khi chăm sóc chó Pug mang thai, bạn không được để bé vận động quá mạnh và cũng không được để chú chó lười biếng. Những bài tập nhẹ nhàng, điển hình như đi bộ luôn là lựa chọn đúng đắn nhất.
Mỗi ngày chủ nuôi hãy dành ra 20 – 30 phút vào buổi sáng hoặc chiều mát để dẫn bé đi bộ vòng quanh công viên hoặc nơi có nhiều cây xanh. Vừa cho chó hít thở không khí, giải tỏa năng lượng. Vừa ngăn chặn nguy cơ béo phì và giúp quá trình sinh con diễn ra thuận lợi hơn.
Nhất là thời điểm cuối thai kỳ, việc ít vận động có thể khiến chú chó của bạn khó kiểm soát cân nặng. Đó cũng là một mối nguy hiểm khó lường trong quá trình sinh nở.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, khi đi dạo phải chọn những nơi ít người và động vật qua lại, đặc biệt là những chú chó khác. Có hai lý do khiến bạn cần thực hiện điều này:
- Thứ nhất, khi mang thai chó mẹ có tính cảnh giác cao và rất nóng tính. Nó sẵn sàng lao vào “chiến” ngay nếu cảm thấy có mối đe dọa. Dĩ nhiên, điều đó rất có hại cho chó mẹ, thai nhi và cả đối phương.
- Thứ hai, nếu để chó mẹ tiếp xúc với những chú chó khác, nó có nguy cơ nhiễm virus herpe rất cao. Đây là loại virus gây ra hiện tượng đau âm đạo và khô mũi chó. Dù không ảnh hưởng đến chó mẹ nhưng cực kỳ có hại cho những bé chó con sau này.
Chăm sóc chó Pug mang thai: chế độ y tế
Khi chăm sóc chó pug mang thai, tuyệt đối đừng cho chó tiêm phòng hay sử dụng bất cứ loại thuốc nào trừ thuốc dưỡng thai do bác sĩ kê đơn. Vì chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chó con và cả chó mẹ.
Chủ nuôi được yêu cầu thường xuyên ở cạnh để quan sát và phát hiện sớm những triệu chứng bất thường ở chó mẹ để có hướng xử lý nhanh nhất.
Đặc biệt, bạn bắt buộc phải lên lịch khám thai định kỳ cho chó. Đây là cách tốt nhất để phát hiện sớm những vấn đề không may và có phương hướng xử lý thích hợp để bảo vệ tính mạng của chó mẹ và chó con. Nếu trong trường hợp rủi ro nhất, khám thai thường xuyên sẽ giúp bạn bảo vệ an toàn tính mạng cho chó mẹ.
Dự đoán thời điểm chó mẹ sinh con
Thông thường, có Pug cái sẽ mang thai trong vòng 9 tuần. Do đó, bạn chỉ cần ghi nhớ thời gian phối giống là có thể dự đoán được khoảng thời gian sinh con của bé.
Nếu muốn dự đoán được chính xác hơn, trong quá trình chăm sóc chó Pug mang thai, bạn nên đưa bé đi khám thai định kỳ. Tại đây, các bác sĩ sẽ dự đoán và cho chủ nuôi biết ngày sinh chính xác.
Chăm sóc chó Pug mang thai: những vật dụng cần chuẩn bị
Trong quá trình chăm sóc cho Pug mang thai, tốt nhất là ngay khi bạn đã dự đoán được ngày sinh của chó mẹ, thì hãy chuẩn bị sẵn sàng những vật dụng cần thiết cho quá trình sinh con của chó. Bao gồm:
- Một nơi sạch sẽ khô ráo, thông thoáng như phải kín đáo và không có gió lùa.
- Một chiếc ổ ngủ hoặc thùng giấy có lót khăn, vải sạch để làm nơi đẻ.
- Các vật dụng y tế cần thiết: găng tay, cồn sát khuẩn, kéo nhỏ, bông băng, khăn sạch,…
- Thuốc kích đẻ được bác sĩ hướng dẫn sử dụng.
- Nước sạch, nước muối pha loãng và thức ăn loãng cho chó.
Chăm sóc chó Pug trong và sau sinh
Khi chăm sóc chó Pug mang thai ở những ngày cuối, bạn hãy thường xuyên quan sát để phát hiện dấu hiệu trở dạ của bé. Từ thời điểm chó Pug có dấu hiệu sinh đến khi sinh xong, chủ nuôi hãy ở bên cạnh để hỗ trợ bé bất cứ khi nào có sự cố nhé.
Hỗ trợ chó Pug trong quá trình sinh sản
Trong quá trình sinh sản của chó Pug, đôi khi sẽ có những sự cố không mong muốn xảy ra. Hoặc cũng có một số bé muốn chủ nhân ở bên cạnh mình khi sinh con để tìm cảm giác an toàn.
Do đó, bạn hãy cố gắng ở bên cạnh bé để có thể quan sát và hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Nhưng hãy nhớ rằng, sự có mặt của bạn chỉ là dự phòng và giúp chú chó an tâm hơn. Do đó, đừng can thiệp khi không cần thiết, tốt nhất hãy để chó mẹ sinh con tự nhiên.
Đặc biệt, không được vuốt ve khi chó đang sinh con, nó sẽ ngừng rặn đẻ đấy. Nếu có những trường hợp vượt ngoài phạm vi giải quyết. Đừng chần chừ mà hãy liên lạc ngay cho bác sĩ thú y để được hỗ trợ nhanh nhất.
Chăm sóc chó mẹ và chó con sau sinh
Sau khi sinh, nếu chó mẹ có thể tự liếm, cắn nhau thai và dây rốn cho con thì hãy để chúng tự làm. Bạn đừng nhúng tay vào nhé. Chỉ khi nào chó mẹ kiệt sức không thể làm được thì chủ nuôi mới trợ giúp. Sau đó nhanh chóng đặt chó con vào lòng mẹ để tiếp xúc da và lấy hơi ấm.
Kế đến, bạn vệ sinh sạch sẽ vùng âm hộ của chó mẹ bằng dung dịch muối hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ pha loãng. Đừng quên cung cấp nước và thức ăn loãng cho chú chó lấy lại sức.
Sinh con xong, toàn bộ sự chú ý của chó mẹ sẽ đặt trên bầy con. Chúng sẽ biết cách lo cho con mình. Vì vậy, sau khi dọn dẹp và thay ổ ngủ mới cho chó thì chủ nuôi hãy dành cho chúng không gian riêng tư để nghỉ ngơi và lâu lâu kiểm tra một lần là được.
Những dấu hiệu cho thấy chó mẹ khó sinh
Trong quá trình chăm sóc chó Pug mang thai, có thể một số thói quen xấu sẽ dẫn đến hiện tượng khó sinh ở chó. Hoặc khó sinh cũng có khả năng xuất phát từ chính thể chất của bé. Những biểu hiện cho thấy chó mẹ khó sinh và cần sự hỗ trợ của bác sĩ bao gồm:
- Sau khi chuyển dạ và nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới mức 37 độ C trong vòng 24 giờ chó vẫn chưa sinh được.
- Sau khi sinh bé đầu tiên mà 2 tiếng sau vẫn chưa sinh được bé tiếp theo.
- Chó mẹ không chịu rặn đẻ hoặc rặn hơn 15 phút mà chó con vẫn không ra.
- Chó mẹ ngừng quá trình sinh con mặc dù trong bụng vẫn còn chó con hoặc số lượng chó con sinh ra ít hơn được dự kiến khi khám thai.
- Chó mẹ có hiện tượng kiệt sức nghiêm trọng, xuất huyết trong quá trình sinh.
Ngay khi phát hiện một trong những dấu hiệu này, chủ nuôi cần lập tức liên hệ cho bác sĩ thú y để được giúp đỡ nhanh nhất có thể.
Lưu ý quan trọng khi chăm sóc chó Pug mang thai và sau sinh
Khi chăm sóc chó Pug mang thai, trong khi sinh và sau sinh, chủ nuôi hãy lưu ý những điều sau:
- Khi chó Pug mang thai và khi vừa đẻ xong, bạn đừng tắm cho chó. Thay vào đó nên dùng khăn thấm nước ẩm để lau người cho bé, sau đó sấy lông thật khô. Khi chó sắp sinh thì bạn cần vệ sinh kỹ khu vực xung quanh âm hộ để bé không bị nhiễm trùng khi sinh.
- Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để có phương pháp diệt ve, rận và bọ chét cho chó mẹ khi mang thai và sau sinh.
- Đừng để chú chó bị sụt cân trong quá trình mang thai. Bạn phải đảm bảo dinh dưỡng đủ đầy cho bé. Tốt nhất trong quá trình mang thai chó mẹ nên tăng 25 – 30% trọng lượng cơ thể.
- Trong quá trình mang thai của chó, bạn hãy dành cho bé sự quan tâm, yêu thương, thường xuyên chơi đùa và trò chuyện cùng để nó thấy thoải mái, vui vẻ.
- Nếu chú chó có tiền sử khó sinh, chủ nuôi bắt buộc phải để bé sinh con dưới sự hỗ trợ của bác sĩ thú y.
Trên đây là những thông tin về cách chăm sóc chó Pug mang thai, trong và sau khi sinh sản. Mong rằng bài viết này có ích cho những bạn đang nuôi chó Pug, nhất là những bé đang mang thai. Chúc chú chó của bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và mẹ tròn con vuông nhé!