Không chỉ đẹp và ấn tượng, những chú cá Rồng quý hiếm còn được không ít người tin rằng sẽ mang lại may mắn và tài lộc cho gia chủ. Nuôi cá Rồng từ lâu đã trở thành thú vui tao nhã của nhiều người thích thưởng ngoạn và tìm kiếm sự thư thái, thoải mái cho tinh thần. Nếu bạn đang có ý định nuôi cá Rồng thì đừng bỏ qua những thông tin hữu ích được chia sẻ trong bài viết bên dưới nhé. 

ca-rong

Giới thiệu về cá Rồng

Nguồn gốc 

Cá Rồng được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1844 tại khu vực Đông Nam Á. Tên khoa học của chúng là Scleropages formosus, thuộc họ Osteoglossidae. Cá Rồng xuất hiện nhiều nhất tại Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Thái Lan. 

Các nghiên cứu khoa học sau này còn phát hiện ra cá Rồng châu Á có họ hàng gần với họ Scleropages leichardti và Scleropages jardinii. Tại nước ta, loài cá này không chỉ được yêu thích vì có ngoại hình đẹp mà chúng còn mang nhiều ý nghĩa phong thủy tốt lành như may mắn, giàu có và thành công. 

dac-diem-ca-rong

Đặc điểm 

  • Kích thước: cơ thể cá Rồng to lớn, chiều dài có thể đạt đến 90cm. Thân hình của chúng thông dài và hơi dẹt, bụng có gân. 
  • Phần đầu: khá ngắn nhưng mang lớn, miệng rộng, môi dưới nổi rõ 2 mấu thịt chìa ra như lưỡi rắn. 
  • Vảy: đặc trưng nổi bật nhất của cá Rồng châu Á là vảy có xoáy lớn, hoa văn như được khảm một cách tinh xảo, bề mặt ánh kim ấn tượng. Vảy cá Rồng trưởng thành thường lớn hơn 2cm và sắp xếp thành năm hàng ngang từ bụng lên mặt lưng. Ngoài ra chúng còn có một hàng vảy lưng và mỗi cá thể trung bình sẽ có từ 21 đến 26 chiếc vảy. 
  • Đuôi: so với các họ cá Rồng Nam Mỹ và cá Rồng bạc thì giống cá rồng châu Á có đuôi lớn hơn. 
  • Vây: thuôn dài ở phần ngực và bụng nhưng cặp vây ở ngực lớn hơn ở bụng. Vây lưng và vây hậu môn như một dải lụa mềm mại. Vây lưng mọc cách xa phần đầu, kéo về phía đuôi còn vây hậu môn mọc ở vị trí hậu môn kéo về đuôi. Đây là đặc điểm trái ngược nhất của cá Rồng so với những loài cá khác. 

Phân loại

Việc phân loại cá rồng hiện nay còn nhiều tranh cãi. Mỗi loại cá Rồng đều có nguồn gốc, đặc điểm khác biệt nên phân loại như thế nào còn tùy thuộc vào quan niệm từng vùng lãnh thổ hoặc theo đặc tính, sở thích của mỗi người. Dưới đây là cách phân loại cá Rồng dựa vào vùng lãnh thổ: 

  • Cá Rồng châu Á (Asian Arowanas)
  • Cá Rồng châu Úc (Australia Arowanas)
  • Cá Rồng Nam Mỹ (South America)
  • Cá Rồng châu Phi (African)
cham-soc-ca-rong

Cách chăm sóc và nuôi dưỡng cá Rồng 

Môi trường sống

  • Cá Rồng cực kỳ kén chọn nguồn nước sinh sống vì chúng rất nhạy cảm với nồng độ amoniac. Bể nuôi cá Rồng phải có thiết bị lọc chất lượng, đảm bảo độ pH luôn duy trì trong ngưỡng từ 6.5 – 7.5. Nước trong bể cá phải luôn sạch, không có mầm bệnh. Ngoài ra, kích thước để cần dài gấp 3 lần kích thước cá để chúng có không gian bơi lội thoải mái. 
  • Nhiệt độ lý tưởng để nuôi cá Rồng là từ 28 – 32 độ C.

Thức ăn 

Cá Rồng thích ăn thịt nên khi nuôi bạn có thể cho chúng ăn nhiều loại thức ăn như tôm đông lạnh, sâu, giun, dế, rết, chuột bao tử…. Cá Rồng ăn nhiều và cần được cung cấp dưỡng chất đầy đủ để phát triển khỏe mạnh nên các nguồn thức ăn cần đa dạng và đảm bảo an toàn vệ sinh. 

nhan-giong-ca-rong

Cách nuôi dưỡng cá Rồng

  • Nước trong bể nuôi cá Rồng cần được thay từ 1 – 2 lần/tuần tùy theo kích cỡ và số lượng cá. Nếu nhiều cá mà dung lượng nước nhỏ thì cần thay nước thường xuyên hơn. Thỉnh thoảng hãy pha thêm Black Water Extract (nước đen) vào nguồn nước mới để làm dịu độ pH và tạo môi trường nước giống trong tự nhiên để cá Rồng sống tốt hơn. 
  • Bể hoặc hồ nuôi cá Rồng nhất định phải có nắp đậy vì loài cá này rất thích nhảy cao. Không có nắp phía trên cá có thể vô tình nhảy ra ngoài và chết nếu không được phát hiện. Trên nắp đậy có thể dùng các vật nặng đè lên và chừa khoảng trống nhỏ cỡ đầu cá.  
  • Cho cá Rồng ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ khiến chúng tăng vẻ đẹp. Những loại thức ăn như tôm nhỏ, tép nguyên vỏ sẽ giúp cá phát triển màu đỏ rất tốt. Cá Rồng con cần được cho ăn nhiều thực phẩm tươi sống để lớn nhanh và khỏe. Thông thường, cá dưới 25cm cần cho ăn từ 2 – 3 lần/ngày. Khi chúng lớn hơn chỉ cho ăn 1 lần/ngày là được. 
  • Không nên cho cá ăn quá no. Có thể dùng máy sưởi bật nhiệt từ 28 – 32 độ C để kích thích chúng ăn ngon miệng hơn. 
  • Thức ăn thừa và phân cần được vớt ra khỏi hồ ngay để tránh làm ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng sức khỏe của cá Rồng. 

Cách nhân giống cá Rồng chuyên nghiệp 

Chọn cá bố mẹ 

  • Ưu tiên chọn những con có màu đậm, tươi sáng, sắc nét, vảy cá chắc chắn và không bị bong tróc. 
  • Thân cá bố mẹ cần rộng, bề dày song song từ đầu đến đuôi. Các bộ phận như đầu, mắt, miệng phải cân xứng với chiều rộng và chiều dài của cơ thể. 
  • Vảy cá Rồng phải lớn, sắp xếp thẳng hàng và có phản quang. Vây cá to đều, căng xòe, không bị cong là đẹp nhất. Mắt cá Rồng đẹp phải sáng trong, lanh lợi và hoạt bát. Miệng cá luôn ngậm chặt, hàm trên và hàm dưới khớp với nhau. 
  • Tư thế bơi của cá Rồng khỏe mạnh phải nhẹ nhàng, khoan thai, uyển chuyển. Lúc quay mình, vi mang cá phải mở rộng, râu thẳng đứng chỉa lên trời, kỳ cờ xòe căng khi vẫy tay bơi. 

Chuẩn bị bể nuôi 

  • Cá Rồng sinh sản cần được nuôi trong không gian rộng rãi vừa phải. Kích thước bể phù hợp nhất là 250cm x 100cm x 60cm hoặc 200cm x 90cm x 60cm.
  • Nên trang bị máy sục khí, bộ lọc và máy sưởi ấm để đảm bảo duy trì ổn định nhiệt độ nước và cung cấp đủ oxy cho cá sống. 
  • Đặt bể ở nơi yên tĩnh, ít người qua lại, hạn chế tối đa tiếng ồn. Ánh sáng trong bể nuôi sinh sản phải sáng hơn bên ngoài. 
  • Không rải sỏi xuống đáy bể vì cá Rồng đực sẽ dễ nhầm với trứng. Thay vào đó, bạn có thể đặt một tấm gạch men dưới đáy cho cá đẻ trứng lên. Dùng một tấm kính nhỏ để ngăn bể thành 2 ngăn cho cá đực và cá cái. 

Chất lượng nước nuôi cá 

Nước nuôi cá Rồng sinh sản chất lượng phải đạt các thông số sau: 

  • Ngưỡng pH: 4 – 9 
  • Nồng độ pH: 6.5 – 7.5 
  • Nhiệt độ: 26 – 29 độ C

Tuyệt đối không thay đổi nhiệt độ và nồng độ nước đột ngột vì cá Rồng bố mẹ sẽ bị sốc, không sinh sản tốt, cá con cũng bị ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng. 

Chế độ ăn cho cá Rồng bố mẹ 

  • Khi ấp trứng, cá Rồng đực sẽ ăn nhiều hơn bình thường nhằm tích trữ năng lượng, do đó trước khi cá ấp, bạn cần cho chúng ăn 2 bữa/ngày. Thực đơn của cá Rồng cần đầy đủ dinh dưỡng và bổ sung các loại thức ăn tươi như giun dế, tôm tép, nhái con, cá xiêm, cám hỗn hợp…. 
  • Đối với cá Rồng cái, bạn cho ăn theo chế độ bình thường với lượng thức ăn vừa đủ và đa dạng: rau củ quả, thịt tươi, đồ khô, đồ đông lạnh…. 

Ghép đôi cá Rồng bố mẹ

  • Từ tháng 7 đến tháng 12, cá Rồng sẽ ghép đôi. Cá Rồng sau khi bắt cặp cần tách riêng ra để bắt đầu quá trình giao phối và thụ tinh. Thông thường cá cái sẽ đẻ từ 100 – 200 trứng trong mỗi kỳ sinh sản. 
  • Cá đực sẽ rưới tinh trùng lên trứng rồi ngậm trứng vào khoang miệng để ấp và nuôi dưỡng, chăm sóc con. 

Nuôi cá Rồng con sau nở

Sau 60 ngày ấp, cá Rồng đực sẽ há miệng cho cá con ra ngoài. Cá Rồng con có kích thước khoảng 10mm và vẫn sống phụ thuộc vào cá bố. Khi nhận thấy môi trường xung quanh có nguy hiểm, cá Rồng bố sẽ há miệng cho cá con chui vào ẩn nấp. 

Cá Rồng con cần được tập ăn bột dành riêng cho chúng theo đúng liều lượng hướng dẫn. Nhiệt độ nước tốt nhất để nuôi cá con là từ 26 – 29 độ C. Nước cần đảm bảo luôn sạch sẽ, giàu oxy. 

Tách cá Rồng bố mẹ và chăm sóc 

Sau 30 ngày trứng nở, bạn có thể tách cá bố ra khỏi đàn con bằng cách kéo nhẹ đuôi cá từ phía sau rồi kéo hàm mở ra. Đợi cá con bơi hết ra ngoài thì dùng vợt vớt cá bố mẹ sang bể riêng. 

Cá Rồng bố mẹ khi sinh sản xong cần cho ăn đầy đủ và đa dạng dưỡng chất. Bổ sung nhiều loại thức ăn tươi như tôm tép, động vật giáp xác, côn trùng để chúng nhanh lấy lại sức. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng một số loại thuốc bổ như itachem Super mix feed (hỗn hợp các Acid amin – Vitamin – Khoáng) để giúp cá tăng hệ miễn dịch, khỏe mạnh và phát triển tốt hơn. 

nuioi-ca-rong

Các bệnh thường gặp ở cá Rồng và cách điều trị 

Cá Rồng bị xoăn mang

  • Nguyên nhân: nước bị nhiễm khuẩn, tạo điều kiện cho ký sinh trùng tấn công mang cá. Khi lượng nitrat và amoniac tăng cao, nước sẽ thiếu oxy dẫn đến tình trạng cá khó thở, mang phình to và bị viêm. 
  • Cách điều trị: thay 20% nước trong bể mỗi ngày, tăng cường sủi khí, dùng thêm bình oxy nếu cần thiết. Đảm bảo duy trì độ pH trong bể là 6.5 và 2 lạng muối/100 lít nước. Trường hợp cá Rồng bị xoăn mang nhẹ có thể dùng lá bàng khô ngâm nước rồi đổ nước đó vào bể để chữa bệnh cho cá. Đối với những chú cá bị xoăn lớp mỏng viền mang, bạn nên cắt bỏ rồi chăm sóc trong môi trường nhiều oxy. 

Cá Rồng bị xù vảy 

  • Dấu hiệu nhận biết: vảy cá Rồng kênh lên, nhiều nhất ở lưng; cá oằn mình và bỏ ăn. 
  • Nguyên nhân: nước trong bể quá bẩn hoặc thiếu oxy nghiêm trọng. 
  • Cách điều trị: duy trì nhiệt độ nước khoảng 30 – 31 độ C, tăng lượng muối trong bể, dùng thêm thuốc bột vàng của Nhật. Thay nước 2 lần/ngày nhưng chỉ thay lượng nước thật ít và hạn chế cho cá ăn. 

Cá Rồng bị trướng bụng

  • Dấu hiệu nhận biết: cá bỏ ăn, bụng phình to, bơi lội khó khăn. Một số chú cá còn có biểu hiện “trồng cây chuối” và hậu môn chảy nước nhờn. 
  • Nguyên nhân: cá Rồng bị trướng bụng là do thức ăn không đạt chuẩn hoặc cá ăn quá nhiều, không thể tiêu hóa nên bị viêm ruột 
  • Cách điều trị: thay 1/3 lượng nước trong bể, tăng cường bơm hơi, duy trì nhiệt ở 30 độ C, tăng lượng muối. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng metronidazol rồi theo dõi tình trạng của cá. 

Nuôi cá Rồng đòi hỏi bạn phải hiểu chúng, tận tâm chăm sóc thì mới có được bể cá như ý. Tuy nhiên bạn cũng đừng quá lo lắng vì rất nhiều người đã thành công khi nuôi giống cá này, chỉ cần bạn có đầy đủ kiến thức và yêu thương chúng. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này!

Similar Posts