Cá Betta hay cá Xiêm được rất nhiều người yêu thích vì có màu sắc sặc sỡ, khả năng sinh trưởng tốt. Hiện nay giống cá này khá phổ biến ở nước ta nhưng không phải ai cũng biết cách nuôi và nhân giống. Nếu bạn đang cần tìm hiểu tất cả thông tin về cá Betta thì đừng bỏ qua bài viết bên dưới nhé.
Cá Betta là gì? Nguồn gốc, đặc điểm và phân loại
Nguồn gốc và đặc điểm cá Betta
Vào những năm 1200 thời vua Sukhothai – Thái Lan, cá Betta được tìm thấy ở vùng nước ngọt và được nuôi làm kiểng. Sau này, thú chơi chọi cá bắt đầu xuất hiện vì nhiều người phát hiện sự hiếu chiến của loài cá Betta và từ đó Betta trở thành cái tên không thể thiếu trong các trận đá cá. Dần dần, sự yêu thích cá Betta nhanh chóng lan rộng ra nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Cá Betta rất dễ nhận diện vì có thân thon dài và dẹt, con trưởng thành thường dài từ 5 – 8cm. Riêng đối với cá Betta khổng lồ, kích thước có thể lớn hơn gấp đôi và con đực thường lớn hơn con cái. Chiều dài đuôi của cá Betta sẽ tùy thuộc vào giống lai tạo.
Phần đầu cá Betta hơi chúi về trước, bộ vây trên có kích thước lớn, bắt đầu từ nửa dưới lưng và xòe rộng. Vây bụng và vây đuôi cũng khá to, gây ấn tượng bằng màu sắc sặc sỡ. Cơ quan hô hấp của cá Betta phức tạp như mê cung (thường được gọi là labyrinth). Nhờ cấu tạo đặc biệt của hệ hô hấp, cá Betta có thể hít không khí trực tiếp từ mặt nước, từ đó sống tốt trong cả môi trường chật hẹp, nghèo oxy.
Cá Betta có tập tính tách bầy sau 3 tháng và chúng sẽ tìm cho mình một lãnh thổ riêng. Chúng thích các vùng nước nông, lặng, không gian hẹp. Tính độc lập và sở hữu của giống cá này thể hiện rõ nhất khi có ké xâm phạm lãnh thổ. Chúng sẵn sàng chiến đấu bằng cá tính mạng đến khi kẻ thù chịu rút lui.
Các loại cá Betta phổ biến
Cá Betta Plakat
- Đặc điểm nổi bật: ngoại hình khá giống cá Betta Halfmoon khi còn nhỏ vì chúng được ép giống từ Halfmoon. Tuy nhiên, đuôi cá Betta Plakat thường ngắn, vây lưng tròn, vây bụng hình kiếm. Vây của giống cá này tia rất khỏe, khó bị rụng. Phần thân cá Betta Plakat có hình trụ, đầu hơi dốc và thụt khiến miệng cá xếch lên rất độc đáo.
- Màu sắc: cá Betta Plakat có tông màu đa dạng như cam, đỏ, hồng, ánh bạc, xanh, vàng, lam.
- Sức mạnh: lanh lợi, tia khỏe.
Cá Betta Halfmoon
- Đặc điểm nổi bật: bộ vây lớn, dài, xòe rộng tạo thành hình bán nguyệt, tia đuôi thẳng có phân nhánh.
- Màu sắc: cá Betta HalfMoon có 5 màu chủ đạo là xanh dương, đỏ, ánh tím, ánh vàng và đen. Thông thường mỗi cá thể sở hữu ít nhất 3 màu phân bố hài hòa trên thân, vây.
- Sức mạnh: chúng bơi rất nhanh và linh hoạt. So với Dumbo hay Plakat thì Betta Halfmoon đuôi dài có sức mạnh vượt trội hơn.
Cá Betta Fancy Halfmoon
- Đặc điểm nổi bật: cá Fancy Betta Halfmoon được ép từ loài Betta HalfMoon và Betta Fancy. Chúng có đuôi dài như Halfmoon thuần chủng nhưng vảy lớn hơn còn vảy lột giống với loài Fancy. Người ta sẽ dựa vào hình dáng đuôi để đặt tên cho các loại cá Fancy Betta Halfmoon như: Fancy Halfmoon Marble, Fancy Halfmoon Copper, Red Fancy Halfmoon, Fancy Rosetail Halfmoon, Fancy Halfmoon Startail…
- Màu sắc: dòng Fancy Betta Halfmoon có màu sắc rất phong phú như cam, đỏ, đồng…
Cá Betta Fancy Plakat
- Đặc điểm nổi bật: Betta Fancy Plakat được lai tạo giữa Betta fancy đuôi dài và Plakat đuôi ngắn thuần chủng.
- Màu sắc: cực kỳ rực rỡ và cuốn hút .
- Sức mạnh: bơi nhanh, hiếu chiến, cận chiến tốt.
Cá Betta Dumbo Plakat
- Đặc điểm nổi bật: Betta Dumbo Plakat sở hữu phần vây to như tai voi ở hai bên mang, đuôi ngắn hơn dòng Dumbo Halfmoon. Chúng có ngoại hình ngộ nghĩnh và đáng yêu vì có bộ vây xòe ngắn nhưng bơi rất nhanh.
- Màu sắc: Đỏ, tím, vàng, trắng, xanh là 5 sắc màu thường gặp nhất ở dòng cá Betta Dumbo Plakat.
Cá Betta Solid Halfmoon
- Đặc điểm nổi bật: Cá Betta Solid Halfmoon có bộ vây đẹp kiêu kỳ cùng chiếc đuôi dài khỏe mạnh.
- Màu sắc: dòng cá này chỉ có đơn sắc hoặc nhị sắc. Thông thường, chúng sẽ có nền sẫm hoặc nền nhạt màu nâu, đỏ, trắng, đen hoặc xanh.
Cá Betta Dumbo Halfmoon
- Đặc điểm nổi bật: đuôi to dài, vây xòe nhỏ hơn 180 độ. Phần vây to ra hai bên giống như mái chèo rất đẹp. Cá Betta Dumbo Halfmoon bơi nhanh và lanh.
- Màu sắc: các màu sắc xuất hiện nhiều nhất ở chúng là vàng, đỏ, trắng, tím và xanh.
Cá Betta Dragon Plakat (Betta rồng)
- Đặc điểm nổi bật: đúng như tên gọi của mình, cá Betta Dragon Plakat có nhiều vảy rồng độc lạ trên thân. Các vảy của chúng đều và nhỏ vừa.
- Màu sắc: mỗi cá thể Betta rồng sẽ có màu sắc riêng trên nền đậm hoặc nhạt đều. Bộ vảy với màu sắc đẹp – độc – lạ chính là điểm cuốn hút nhất của loài cá này.
Cá Betta Super Plakat
- Đặc điểm nổi bật: là loại cá siêu đơn sắc được lai tạo giữ Plakat và Solid. Đuôi của chúng tuy ngắn nhưng cả đuôi và vây đều cực gọn gàng và săn chắc.
- Màu sắc: dòng cá Betta Super Plakat có các màu đặc trưng như đen, trắng, đỏ, xanh lam, vàng, ánh đồng…
Cá Betta Crowntail (đuôi tưa)
- Đặc điểm nổi bật: được lai tạo từ loài Halfmoon đuôi dài nên cá Betta Crowntail có bộ vây và đuôi dạng tưa rất ấn tượng. Lớp vảy của chúng óng ánh và dày dặn, vây tưa dài nhọn, cứng cáp, khó bị rách.
- Màu sắc: Cá Betta đuôi tưa xuất hiện nhiều nhất là ba màu đỏ, đen và xanh.
Cách chăm sóc và nuôi dưỡng cá Betta đúng chuẩn
Môi trường sống
Để đảm bảo cá Betta sinh trưởng tốt, bể nuôi cần đạt chuẩn nhiệt độ từ 24 – 30 độ C, pH từ 7 – 7.5 và nước cần thay 2 tuần/lần. Số lượng cá trong một bể còn tùy thuộc vào kích thước bể. Tuy nhiên, vì là loài cá có tính hiếu chiến và hung dữ nên một bể không nên nuôi quá nhiều cá. Nếu phát hiện cá có tình trạng cắn đuôi thì cần kiểm tra xem vị trí nuôi có bị thiếu sáng hoặc oxi không.
Thức ăn của cá Betta
Cá Betta ăn gì? Trong tự nhiên, các loại côn trùng thủy sinh và động vật giáp sát, không xương sống là nguồn thức ăn chính của cá Betta. Do đó, để cá Betta phát triển khỏe mạnh, bạn nên cho chúng ăn những loại thực phẩm như giun máu, tôm ngâm muối hoặc thức ăn viên…
Cách nuôi dưỡng cá Betta
- Một ngày bạn chỉ nên cho cá ăn 2 lần với lượng thức ăn vừa đủ để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn cá hoặc gây ô nhiễm nguồn nước.
- Khi thay nước bạn cần giữ lại 1/3 nước cũ để cá không bị sốc do thay đổi môi trường. Tuyệt đối không để hồ cá bị ô nhiễm hoặc thiếu oxy. Tốt nhất hãy đặt hồ ở nơi thoáng mát, không bị ánh sáng chiếu trực tiếp.
Cách nhân giống cá Betta chất lượng
Để có được số lượng con giống cao và mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất, người ta áp dụng phương pháp ép cá cho loài Betta. Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: chuẩn bị một thau hoặc khay nhựa có dung tích 15 – 20 lít và một ít sỏi nhỏ.
- Bước 2: lựa chọn hững con cá khỏe mạnh, tuổi thọ từ 1 – 2 năm rồi cho cá đực vào hồ ở 5 – 7 ngày. Khi thấy cá đực nhả nhiều bọt khí thì cho cá mái vào.
- Bước 3: sau khi thấy cá đực lừa và rỉa vây cá mái vài lần, trứng cá xuất hiện thì tiến hành vớt cá mái ra hồ riêng.
- Bước 4: Đợi trứng cá nở, quan sát thấy cá con đã phát triển thì tách cá nhỏ ra riêng. Không nên bắt cá đực ra quá sớm vì cá đực có vai trò thay bong bóng bị vỡ, đảm bảo cá con chớm nở sẽ bám được vào tổ ong.
Bệnh thường gặp ở cá Betta và cách điều trị
Cá Betta không chịu ăn
- Nguyên nhân: thời gian ăn bị thay đổi, cá bị căng thẳng, táo bón, nhiễm ký sinh trùng hoặc thức ăn không đảm bảo.
- Cách điều trị: Cho cá ăn đúng giờ và đầy đủ, sử dụng kháng sinh để tăng cường hệ miễn dịch cho cá.
Cá Betta bị hở mang
- Nguyên nhân: cá Betta bị hở mang, xuất hiện dịch trắng như mủ chủ yếu do các cá thể đơn bào gây ra. Nếu không chữa trị sớm, cá sẽ chết sau từ 5 – 7 ngày.
- Cách điều trị: tách riêng những con bị bệnh ra hồ mới, dùng kháng sinh liều cao để trị dứt điểm bệnh.
Cá Betta tự cắn đuôi
- Nguyên nhân: cá bị căng thẳng do cách li quá lâu hoặc môi trường sống nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng và oxy.
- Cách điều trị: hạn chế cho cá ở chung với nhiều loại cá khác, đặt hồ nuôi ở nơi có ánh sáng dịu, đảm bảo môi trường nước trong lành, không bị ô nhiễm. Bạn có thể dùng thước Melafix để vết thương của cá nhanh lành, ngăn chặn các bệnh do nấm và vi khuẩn gây ra.
Cá Betta bị nhạt màu
- Nguyên nhân: thay đổi thời tiết hoặc nước trong hồ không đảm bảo an toàn vệ sinh.
- Cách điều trị: thay nước thường xuyên, giữ nhiệt độ nước luôn ổn định. Ngoài ra bạn cũng cần đảm bảo cung cấp cho cá nguồn thức ăn phong phú, đầy đủ để màu sắc của chúng rực rỡ hơn.
Trên đây là tất tần tật những thông tin hữu ích nhất về cá Betta, hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích. Cá Betta dễ sống nhưng cũng cần được chăm sóc tỉ mỉ để tránh các bệnh nguy hiểm. Chúc bạn sẽ nuôi thành công và có được những chú cá Betta thật xinh đẹp và chiến khỏe nhé.