Cá Koi không chỉ phổ biến ở nước ta mà còn được yêu thích tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ngày càng có nhiều người muốn nuôi loại cá này để làm cảnh, kinh doanh hoặc tăng phong thủy tốt cho bản thân… Hôm nay chúng tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu tất tần tật về cá Koi nhé. 

ca-koi

Giới thiệu về cá Koi 

Nguồn gốc và đặc điểm 

Nhiều người vẫn lầm tưởng cá Koi đến từ Nhật Bản nhưng một số tài liệu nghiên cứu khoa học đã chứng minh cá Koi có nguồn gốc ở Trung Quốc và bắt đầu du nhập vào Nhật ở thế kỉ 19. Tại xứ sở hoa anh đào, chúng đã được thuần hóa và lai tạo nhiều đời để trở thành cá cảnh. Ban đầu, cá Koi có tên là cá chép Nishikigoi, nghĩa là cá chép nhiều màu sắc hoặc cá chép thổ cẩm. 

Năm 1914, buổi triển lãm các giống cá chép Koi đầu tiên đã tổ chức tại đảo Niigata và Tokyo nhân dịp tôn vinh hoàng tử Hirohito. Sự kiện này đã giúp cá chép Nhật đến gần hơn với mọi người và cái tên “cá Koi” chính thức được công nhận. Theo tiếng Nhật, Koi có nghĩa là cá chép, đồng âm với từ tình yêu và yêu mến. 

Ngày nay cá Koi được lai tạo nhiều nhưng chúng vẫn mang những đặc điểm chung như: cơ thể duyên dáng, uyển chuyển được chia thành 3 phần rõ ràng là đầu, thân và đuôi. Toàn thân cá Koi được bao phủ bởi lớp vảy đa sắc cực đẹp. Cá Koi cái có thân tròn trĩnh, phần bụng nở nang trong khi cơ thể các chú cá đực thon gọn hơn, vây ngực và nắp mang thường có những nốt sần màu trắng. 

dac-diem-ca-koi

Tập tính của cá Koi 

  • Tập tính ăn uống: cá Koi ăn tạp và phàm ăn nhưng chúng rất ưa sạch sẽ nên thức ăn cần phải đảm bảo vệ sinh. Để tránh ảnh hưởng đến hình dáng và màu sắc của cá, bạn không nên cho chúng ăn quá nhiều hoặc dùng các loại thức ăn không rõ nguồn gốc. 
  • Tập tính sinh sản: thời điểm tốt nhất để cá Koi sinh sản là mùa xuân và mùa thu khi thời tiết mát mẻ, dễ chịu và nhiệt độ nước không quá cao. Cá Koi có đặc tính sinh sản theo nhóm, thường 1 con cá cái sẽ có 2 – 3 con cá đực bơi sát kèm theo. Lượng trứng được cá cái đẻ có thể đạt từ 150.000 – 200.000 trứng. Thông thường loài cá này sẽ đẻ trứng dính lên cá giá thể như bèo, lục bình hoặc vật cho người nuôi đưa vào. Sau khi kết thúc quá trình đẻ trứng, cá đực sẽ nhanh chóng thụ tinh ngay. Trứng cá Koi sẽ nở thành cá bột sau 40 – 50 giờ. Nếu muốn trứng nở đều thì bạn cần giữ nước trong sạch và duy trì nhiệt độ ở mức ổn định. 

Các loại cá Koi phổ biến hiện nay 

Nếu chia theo màu sắc, cá Koi có rất nhiều loại nhưng nếu phân theo chủng Koi từ xưa đến nay thì cá Koi có 2 chủng chính dựa theo hình dáng: 

  • Koi chuẩn: đây là giống cá nguyên thủy cả về hình dáng và màu sắc. Chúng được nuôi rất phổ biến trong ao, hồ hoặc tiểu cảnh trang trí. 
  • Koi bướm: chủng này còn có tên gọi khác là cá chép vây dài, chúng được nhân giống từ năm 1980. So với giống cá nguyên thủy, phần vi, vây và đuôi của Koi bướm dài hơn. Hình dáng Koi bướm khi bơi rất uyển chuyển, đẹp mắt nên chúng thường được nuôi trong hồ kiếng. 
cham-soc-ca-koi

Cách chăm sóc và nuôi dưỡng cá Koi 

Môi trường sống

Cá Koi có thể nuôi trong nhiều dạng bể và hồ khác nhau nhưng độ sâu không quá 0.5m đối với hồ nhỏ và 1.5m với hồ lớn. Một hồ nên có nhiều khoảng độ sâu khác nhau và dùng màu tối cho thành hồ là tốt nhất. Dạng hồ lửng hoặc âm xuống đất sẽ giúp bạn quan sát vẻ đẹp của cá Koi dễ dàng hơn. 

Các chuyên gia khuyến nghị môi trường nước thích hợp nhất để nuôi cá Koi cần đảm bảo các điều kiện: nhiệt độ trong ngưỡng 20 – 27 độ C, độ pH từ 7 – 7.5, ngưỡng pH lý tưởng 4 – 9. Lượng muối tối thiết phải đạt 2,5mg/l. Nước cần được xử lý clo trước khi bơm vào hồ. 

Cá Koi ăn gì? 

Cá Koi hầu như không từ chối bất kỳ loại thức ăn nào và chúng ăn rất nhiều. Tuy nhiên, để cá Koi phát triển và khỏe mạnh, chúng cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý: 

  • Cá Koi mới đẻ: sau 3 ngày có thể ăn bo bo, sinh vật phù du
  • Cá Koi từ 15 ngày – 1 tháng tuổi: ăn được loăng quăng, giun… 
  • Koi 1 tháng tuổi trở lên: có thể ăn tất cả các loại thức ăn cho cá trưởng thành như thóc lép, bánh mì, bã đậu, cám, phân xanh, bột bắp, bột mì, bột cá, vitamin…. 

Trong chế độ ăn của cá Koi, bạn cần thường xuyên bổ sung thức ăn chứa propolis để chúng tăng khả năng miễn dịch và phòng bệnh. Ngoài ra, các loại vitamin cùng spirulina sẽ giúp cá tăng sắc tố màu. 

nuoi-ca-koi

Cách nuôi dưỡng cá Koi

  • Cách thả cá vào hồ: cá mới mua về cần để gần hồ khoảng 20 phút để quen nhiệt độ rồi mới tiến hành thả vào môi trường mới. Trường hợp trong hồ đã có cá trước thì cá mới cần được nuôi cách ly 14 ngày nhằm đảm bảo không có mầm bệnh lây lan vào hồ. 
  • Cách cho cá Koi ăn: lượng thức ăn hợp lý khi cho cá Koi chiếm khoảng 5% trọng lượng cơ thể. Mỗi ngày chỉ nên cho chúng ăn 2 lần, không cho quá nhiều thức ăn vì ăn nhiều sẽ khiến cá bị xệ bụng và ảnh hưởng sức khỏe. Các loại thức ăn tươi và đông lạnh thường dễ mang mầm bệnh nên bạn cần hạn chế sử dụng. 
  • Thay nước cho hồ nuôi cá Koi: nguyên tắc thay nước là 2 ngày giảm 1/3 thể tích nước trong hồ rồi bơm nước mới vào. Kiểm tra nước đạt các chỉ số thiết yếu thì công việc thay nước mới hoàn thành. Nước trước khi cho vào hồ phải khử clo, lọc qua than hoạt tính hoặc ngâm từ 2 – 3 ngày. 
nhan-giong-ca-koi

Cách nhân giống cá Koi đúng chuẩn chuyên gia 

Chọn cá đẻ 

Cá bố mẹ phải ở khác đàn, càng xa càng tốt, chỉ chọn những con khỏe mạnh, cơ thể cân đối và có màu sắc đẹp mắt. Cụ thể như sau: 

  • Cá cái: chọn con bụng to, da bụng mềm đều, lỗ sinh dục có màu ửng hồng và sừng, khi vuốt nhẹ bụng cá từ ngực xuống sẽ có vài trứng tiết ra. 
  • Cá đực: chọn con to, khỏe, nhanh, nhẹn, khi vuốt phần bụng gần lỗ sinh dục sẽ có tinh dịch màu trắng sữa. 

Nuôi vỗ cá 

Sau khi chọn xong, cá bố mẹ cần được nuôi vỗ trong ao có diện tích 500 – 1000m2, độ sâu từ 1.2 – 1.5m.

Thức ăn dành cho cá Koi nuôi vỗ bao gồm: cám 35 – 40% độ đạm, lượng thức ăn đạt từ 5 – 7% tổng lượng đàn (có thể thay đổi tùy sức khỏe đàn cá và điều kiện khí hậu). Sử dụng phân chuồng ủ hoai để tăng vi sinh vật có lợi trong ao nuôi vỗ. 

Chuẩn bị giá thể và bể đẻ 

  • Bể đẻ xi măng, đáy bằng phẳng, không vật nhọn, dài 5m, rộng 2.5m, cao 1.2m. Giăng lưới xung quanh bên trong bể để sau khi sinh sản sẽ thu gom cá bố mẹ. Mực nước ban đầu cho bể cá đẻ cao khoảng 0.5m và phải lấy trước 48 giờ. 
  • Giá thể được làm từ bèo, lục bình cắt bớt lá, để thân 20cm, rễ để dài 30cm rồi ngâm với nước muối 5% để sát trùng. 

Bố trí sinh sản

  • Phối màu: chỉ cho cá bố mẹ phối giống có màu giống nhau, tuyệt đối không phối hợp tùy tiện. 
  • Mật độ: trung bình 2 cá cái/m2 bể.
  • Tỉ lệ đực:cái sinh sản thông thường sẽ là 2:1 để đảm bảo chất lượng trứng thụ tinh. 

Thời điểm tốt nhất để lựa chọn cá bố mẹ là buổi sáng, lúc 8 – 9 giờ. Cá bố mẹ phù hợp sẽ được tiêm kích dục tố bằng các loại thuốc như: hoạt chất domperidon (DOM) + LH-RHa (Lutenizing Hormon- Releasing Hormon analog) hoặc não thùy thể. Liều lượng thuốc tiêm cụ thể như sau: 

  • Đối với cá cái: 10 viên DOM/kg + 60 – 70 mg LH – Rha hoặc 5 – 6 mg não thùy/kg.
  • Đối với cá đực: liều tiêm bằng 1/3 cá cái. 

Cá sau khi tiêm xong sẽ cho vào bể đẻ, giá thể cũng cho vào cùng lúc. Tạo dòng nước chảy nhẹ vào hồ và bố trí hệ thống sục khí nhằm tăng cường oxy cho cá Koi. 

Ấp trứng 

Khi quá trình sinh sản kết thúc, tiến hành vớt trứng ra chậu để ấp. Lưu ý: không để ánh sáng mặt trời chiếu vào chậu và trong chậu phải luôn được sục khí. 

Sau 24 giờ trứng sẽ có 2 mắt đen li ti. Quá trình phôi phát triển cần lượng oxi rất cao nên tuyệt đối không để thiếu oxy trong suốt thời gian ấp trứng. 

Ương cá bột

Khi được 3 ngày tuổi, cá con cần được cho ăn phiêu sinh và bột đậu nành pha loãng. Sau 10 ngày, cá có thể thả ra ao. Ao nuôi cá mới phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về độ sạch, nhiệt độ, độ pH và dinh dưỡng. Cá thả ra ao có thể tập cho ăn cám tổng hợp và tăng lượng thức ăn lên từ từ. Quá trình ương cá bột quan trọng nhất là quản lý môi trước nước và cung cấp đủ dinh dưỡng cho cá lớn và khỏe mạnh. 

benh-ca-koi

Bệnh thường gặp ở cá Koi và cách điều trị 

Sán da, sán mang

  • Biểu hiện: Cá bị sán da và sán mang thường có biểu hiện như bơi lạng lách, nhảy khỏi mặt nước, cạ mình vào đáy hồ, co giật ngứa mình.
  • Nguyên nhân: chất lượng nước hồ kém, nồng độ chất hữu cơ cao, hàm lượng oxy thấp tạo điều kiện cho sán tấn công và hút máu cá, gây suy yếu cơ thể, giảm sức đề kháng, ghẻ lở, thủng mang cá… 
  • Cách điều trị: thay 20% nước cá, sau đó ngâm praziquantel theo liều lượng 2g/1m3 rồi đánh 2 liều cách nhau 2 ngày. Ngoài ra bạn cũng có thể trộn praziquantel vào thức ăn cho cá theo liều lượng 6g/30kg thức ăn. 

Stress

  • Nguyên nhân: môi trường nước bị thay đổi đột ngột, nồng độ NH3 cao, độ pH không ổn định, thiết oxy liên tục. 
  • Biểu hiện: cá nhút nhát, sợ hãi, tách đàn để bơi riêng lẻ. Một số cá Koi bị stress thường bơi xuống đáy hồ, trú dưới những tảng đá hoặc các thiết bị có trong hồ. Một số dấu hiệu nhận biết cá Koi bị stress khác như: cá kén ăn, bỏ ăn, phản ứng chậm, gốc vây có xung huyết. 
  • Cách điều trị: kiểm tra môi trường nước, nếu không đạt chuẩn phải tiến hành xử lý ngay, đảm bảo nước trong hồ luôn sạch, ổn định độ pH. 

Rận cá

  • Biểu hiện: chỗ bị rận bám thường có màu trắng, cá bơi lội bất thường, hay cạ mình vào đáy hồ vì ngứa. Cá Koi bị rận sẽ nhanh chóng gầy đi, yếu sức và thậm chí bị chết nếu không được cứu chữa kịp thời. 
  • Cách điều trị: gắp rận trên người cá ra rồi thoa thuốc tím hoặc tetra Nhật vào vết thương để sát trùng. 

Nấm mang

  • Biểu hiện: cá đánh mang nhiều, thở bất thường, xuất hiện các vết màu trắng loang lổ tại mang cá. Sau 3 ngày cá sẽ chết nếu không được chữa hết. Bệnh nấm mang ở cá Koi lây lan rất nhanh và mạnh, có thể gây ảnh hưởng trầm trọng đến cả hồ cá. 
  • Cách điều trị: dùng Cloramin T 7.5g/1m3 nhưng cách này chỉ có thể hạn chế tình trạng lây lan và cứu được những chú cá chưa nhiễm bệnh. 

Bệnh xù vảy do Dropy

  • Biểu hiện: mắt cá lồi, thân sưng lên, vảy xù làm cá bị biến dạng như hình trái thông. Cá mắc bệnh này thường ít ăn, hay bơi gần mặt nước. 
  • Các điều trị: tách riêng các cá thể bị bệnh, cho chúng tắm nước muối nồng độ 3 – 5kh/1m3 trong 5 phút. Sau đó tiến hành sục khí từ 3 – 5 lần đến khi thấy tình trạng cá được cải thiện. 

Bệnh lở loét do Aeromonas

  • Biểu hiện: các vết thương của cá Koi bị viêm loét sâu, cá yếu dần và chết. 
  • Cách điều trị: gây mê cá, dùng tăm bông nhẹ nhàng lau quanh vết thương, thoa thuốc tím hoặc tetra để sát trùng cho cá. 

Bệnh nhiễm trùng do Chilodonella

  • Biểu hiện: cá chết hàng loạt trong thời gian ngắn. Những con cá bị bệnh sẽ có bết huyết nhỏ, đốm xanh hoặc đỏ dưới da. 
  • Cách điều trị: Dùng thuốc tím theo đúng liều lượng và hướng dẫn của chuyên gia. 
  • Cách phòng bệnh: có thể phun nước muối thường xuyên tại bể cá để ngăn chặn khả năng phát triển của loại vi khuẩn này. 

Nếu hiểu rõ về cá Koi bạn sẽ thấy giống cá này không hề khó nuôi. Chúng vô cùng dễ thương, cuốn hút và còn có ý nghĩa về mặt phong thủy nên nếu bạn muốn sở hữu cho mình một đàn cá Koi chất lượng thì hãy lưu lại những thông tin hữu ích được chia sẻ trong bài viết này nhé. 

Similar Posts